Sinh viên ngành Cơ điện tử làm được những gì?

01
01
'70

Làm được các công việc của thợ điện tử: như làm mạch điện                

- Làm Mạch ổn áp để giữ điện áp luôn ổn định, chẳng hạn như luôn ở mức +5V, hoặc +12V
- Làm các mạch điện tự động đóng ngắt theo ánh sáng, theo nhiệt độ,
- Làm được các mạch điện điều khiển động cơ chính xác số vòng quay của động cơ, tốc độ quay...
- Làm cách mạch tự động bật điện khi có người trong vùng xác định, tắt mở vòi nước, tự động mở cửa...
- Với các bạn sinh viên chịu khó tìm hiểu, các bạn sinh viên sẽ biết sử dụng rất nhiều IC phổ biến khác nhau để lắp vào mạch điện tử
- Bạn nào chịu khó có thể thiết kế luôn được mạch điện tử trên máy vi tính, in, rửa mạch, và hàn linh kiện điện tử lên mạch.

(Điện tử số là dạng điện tử điều khiển theo tín hiệu, dạng 0,1. Nhưng không phải là đơn giản đâu nhé, máy vi tính bạn xài, điện thoại bạn dùng, chìa khóa điện tử, điều khiển máy lạnh... gần như mọi phần đều là điện tử số. Ngoài điện tử số còn điện tử viễn thông, điện tử công suất, analog... những phần này bên ngành điện điện tử sẽ chuyên sâu hơn nhiều.)

Làm được các công việc của thợ cơ khí:

- Hàn: hàn điện, hàn tic, hàn mic... hàn được các loại khung, giá đỡ,
- Tiện: một vài ví dụ sản phẩm như tiện được trục bánh xe để gắn vừa khít vòng bi (lắp bánh xe, bánh răng, vòng dây đai...). Làm được các khớp truyền động động cơ
- Làm nguội: khoan cục sắt làm sản phẩm, gò uốn các loại thép - nhôm, bắn ốc vít, tán đinh...

Dù làm được các công việc của thợ cơ khí, nhưng các bạn cơ điện tử yếu hơn các bạn ngành cơ khí về tiện ren, phay bánh răng, gia công các bề mặt phức tạp, hoặc sản phẩm yêu cầu riêng như đòi hỏi chính xác về độ cứng bề mặt, độ biến dạng chịu lực, các sản phẩm tháo lắp phức tạp...

Thiết kế và lắp đặt được các hệ thống điều khiển tự động bằng khí nén. Ví dụ: tự động đẩy sản phẩm từ bên ngoài vào, khi đúng điểm -> gắn linh kiện A vào một mặt, sau khi xong thì gắn tiếp linh kiện B ở mặt khác -> đẩy sản phẩm ra ngoài -> tiếp tục lấy sản phẩm kế tiếp. Sau khi làm được khí nén thì các bạn cũng có thể lắp đặt thiết kế các hệ thống thủy lực.

Lập trình điều khiển:

Các bạn cơ điện tử cũng rành về lập trình tương tự như các bạn bên ngành công nghệ thông tin. Tuy vậy, cơ điện tử chuyên sâu mảng điều khiển, và tín hiệu hơn.
Lập trình được PLC, PLC là hệ thống chuyên dụng để điều khiển hệ thống trong công nghiệp, các nhà máy lớn có tự động hóa gần như đều sử dụng PLC. Vận hành được các hệ thống điều khiển trung tâm, can thiệp được vào chương trình để sửa lỗi. PLC giải quyết hầu hết mọi vấn đề về tự động hóa trong nhà máy, và tự động hóa đến mức nào thì còn phụ thuộc vào những người lập trình PLC nữa.

Lập trình vi điều khiển, vi xử lý (VĐK, VXL): viết chương trình bằng assemply, C..., sau đó đưa các chương trình này thẳng vào các con chip vi điều khiển hoặc vi xử lý. Các bạn cơ điện tử còn tự tạo luôn được các mạch điện tử với vi điều khiển và vi xử lý. Vậy thì vi điều khiển và vi xử lý thì khác gì các mạch điện tử khác? À, điểm khác chính là các mạch điện tử thì cố định 1 chức năng, còn VĐK, VXL chức năng không giới hạn - vì lập trình được mà. Trong máy giặt, trong robot... đều sử dụng VĐK, VXL đó nhé.

Lập trình gia công tự động CNC: CNC là một loại máy gia công cơ khí tự động. Nói là tự động, nhưng bạn phải ra lệnh cho nó bằng cách nhập vào các lệnh điều khiển. Ví dụ: Lấy cục sắt cần gia công bỏ vào vị trí -> Lệnh lấy mũi khoan loại A gắn vào -> Di chuyển mũi khoan đến vị trí B -> khoan một lỗ với đô sâu C thôi -> rồi rút mũi khoan lên... và nói chung để gia công được một sản phẩm, các bạn ấy sẽ phải nhập hàng ngàn đến hàng chục ngàn lệnh điều khiển như vậy.

Cảm biến:

Cảm biến các các thiết bị biến tín hiệu ở môi trường thành tín hiệu điện. Hiện nay người ta làm sẵn hết các cảm biến này, sinh viên cơ điện tử biết tìm và chọn đúng loại cảm biến để sử dụng. Ví dụ, cảm biến nhiệt độ, chỉ cần đo tín hiệu ở đầu ra là biết nhiệt độ. Cảm biến màu, cảm biến khói, cảm biến nhiệt, cảm biến trọng lượng, cảm biến độ ẩm, cảm biến từ trường, cảm biến điện dung, cảm biến khoảng cách...

Điều khiển tay máy robot

Biết tính toán điều khiển tay máy: nó không đơn giản tí nào, vì mỗi tay máy thì cánh tay có từ 3-5 khớp, làm sao biết được tay máy đang ở vị trí nào. Sau đó điều khiển tay máy đi đến điểm cần đến. Tất cả đều phải sử dụng toán học cao cấp cả.

Tất nhiên như mọi sinh viên kỹ thuật khác, sinh viên cơ điện tử biết vẽ kỹ thuật trên AutoCAD, sử dụng cac phần mềm thiết kế mạch điện, và các phần mềm hỗ trợ chuyên dụng.

Tới phần chuyên sâu thì sinh viên cơ điện tử có thểtham gia vào triển khai mạng truyền thông công nghiệp, hệ thống sản xuất tự động FMS trong công nghiệp, điều khiển tối ưu, điều khiển thông minh, cơ điện tử y sinh, trí tuệ nhân tạo, và tính toán các thông số chuyên sâu phục vụ mô phỏng tính toán.

                                                                                                        Theo huongnghiepviet.com

Từ khóa: